Monday, January 9, 2012

Hồi Ký Của Ông Trương Võ


Hồi Ký Của Ông Trương Võ

Posted: Sunday, November 14, 2010 by Hưng in
0
Ông Trương Võ là cựu đại uý Biên Tập Viên, ngành Cảnh sát của Việt Nam Cộng Hòa. Ông Võ sinh năm 1946, tại Tây Ninh. Sau năm 1975, ông Võ là tù nhân chính trị của chế độ Cộng Sản Việt Nam. Ông đã bị giam cầm tại nhiều trại từ Nam đến Bắc Việt trong suốt năm năm (1975-1980). Vợ và con ông Võ đã vượt biển khoảng năm 1978.

Ông Võ đã ở qua các làng của Pol Pot, trại tị nạn NW 9, trại tị nạn Panatnikhom Holding Center, trại Rangsit Transit Center trước khi đi định cư tại Hoa Kỳ. Hiện nay, ông Võ đang sống tại San Jose, tiểu bang California với gia đình ông.

Sau khi được trả tự do, ông Võ liền trốn thoát bằng đường bộ vào tháng 5, năm 1980. Ông đã lọt vào khu kiểm soát của lực lượng Khmer Đỏ (Pol Pot). Bọn Pol Pot cũng tàn bạo và bất nhân không kém gì bọn Para. Chúng cũng hãm hiếp, cướp của, hành hạ và giết chóc người tị nạn đường bộ một cách tàn nhẫn và vô nhân đạo. 

Trong lịch sử cận đại, lực lượng Pol Pot đã từng giết hại trên hai triệu đồng bào của họ sau năm 1975. Họ đã mang tội diệt chủng thì xá gì thân phận nhỏ nhoi của người dân Việt tị nạn, một dân tộc láng giềng vốn không thân thiện gì với họ.

Từ sau năm 1979, có nhiều người tị nạn bị giam giữ và hành hạ trong các làng và trại tù của lực lượng Pol Pot. Có rất nhiều người đã chết không lời trăn trối, không nhắm mắt vì chết oan uổng khi họ đã gần đến bến bờ tự do. Nỗi oan khiên cùng với số phận hẩm hiu của họ đang cần những người có thẩm quyền và lòng thương cứu giúp.


Cuộc Hành Trình Từ Việt Nam Đến Thái Lan.


Khi tôi được Chính quyền Cộng Sản Việt Nam trả tự do được một tháng là tôi liền vội tìm đường dây để đi vượt biên. Lúc ấy, tôi nghe nhiều người đã đi thoát cách trót lọt bằng lối đường bộ.

Trước khi đi, hồi còn ở Sàigòn, tôi thường vặn radio để nghe đài BBC và đài VOA. Tôi được biết là ở trại Non Samet và trại Non Chan, dân tị nạn thường hay bị lực lương Para của người Khmer hà hiếp. Người trưởng trại là giáo sư PNB. Đài BBC hay đài VOA có phỏng vấn ông B. bằng Anh ngữ. Nhờ nghe đài cho nên tôi mới cố gắng tìm cách đi vượt biên bằng đường bộ.

May mắn thay, tôi được biết một tổ chức của người quen đã đưa được nhiều người vượt biên đến nơi an toàn. Những người này đã viết thư về cho thân nhân ở Việt nam biết tin. Tổ chức ấy là do nghiệp đoàn xe vận tải chuyên chở gạo từ Sàigòn lên Nam Vang rồi đến Battambang để tiếp tế cho các lực lượng quân đội của Việt Cộng ở đó. Họ đã tổ chức đưa người đi từ nhiều tháng nay, nhưng chưa hề bị đổ bể và họ chỉ tuyển các người quen biết, chứ không đưa người lạ đi vì sợ lộ. Tôi cũng nhờ có người quen ân cần giới thiệu nên mới được tổ chức ấy chấp nhận.

Tiền lệ phí cho việc vượt biên là bốn lượng vàng cho mỗi đầu người. Tôi bắt đầu ra đi từ Sàigòn vào khoảng cuối tháng 5, 1980. Từ 5:00 giờ sáng, người ta bắt đầu bỏ gạo lên xe. Đến khoảng 7:00 giờ sáng, đoàn xe gồm bảy, tám chiếc bắt đầu chuyển bánh rời Sàigòn. Mỗi xe trong đoàn xe vận tải đều có tài xế chính và một người phụ xế, còn gọi là lơ xe.

Xe nào cũng có giấy tờ chính thức của chính quyền Cộng Sản cấp cho, gồm công vụ lịnh, số lượng hàng hoá để tiếp tế cho các lực lượng quân đội ở vùng biên giới Thái và Cambodia.

Dọc đường từ Sàigòn đi đến Gò Dầu, chúng tôi phải đi khoảng mười mấy trạm kiểm soát quân sự. Các trạm kiểm soát này được đặt ra để kiểm soát hàng lậu thuế, đồng thời cũng để chận bắt những kẻ muốn vượt biên giới.

Khi qua các trạm kiểm soát này, tài xế chủ xe không cho tôi ngồi ở trên xe vì sợ bị lộ. Vì thế, tôi phải đi bộ hoặc đi xe Lam (lXe Lambretta) vào những lúc trước khi đến trạm và sau khi qua khỏi trạm gác độ chừng một cây số.

Khi tới trạm kiểm soát ở Gò Dầu thì đã khoảng 12:00 giờ trưa rồi. Tới trạm Gò Dầu thì tài xế phải trình giấy tờ ở đó. Thường thì mỗi xe được quyền chở hai người: một tài xế và một phụ xế. Nếu xe nào muốn chở thêm người vượt biên thì phải làm một cái hang trong lòng xe để dấu người ta ở dưới hang ấy và bỏ gạo lên chung quanh để ngụy trang.

Từ Gò Dầu đến Soài Riêng, thuộc địa giới của Cambodia thì có một trạm kiểm soát biên phòng rất khó khăn và nguy hiểm. Trạm này nằm ở vùng Sài Phu, thuộc tỉnh Soài Riêng, cách Gò Dầu khoảng hai mươi cây số. Tại đây, rất nhiều người vượt biên bị bắt lại vì bọn lính kiểm soát rất kỹ, hễ thấy nghi ngờ là chúng tóm ngay người vượt biên.

Vì thế tổ chức này đã chuẩn bị chu đáo. Họ mua rất nhiều thùng bia và thuốc lá 555 để hối lộ cho công an biên phòng tại đó.

Trước khi đi, tổ chức này đã cho tôi biết là tôi phải đóng vai phụ xế. Vì thế, họ dạy tôi mọi cách thức để trở thành một phụ xế: xuống trình giấy ở các trạm kiểm soát ra sao, học tiếng Miên về số xe, về các câu hỏi đáp thông thường để trả lời các trạm gác Việt và Miên ở trên đường đi.

Khi đến trạm gác đầu tiên, vì chưa thực hành lần nào nên tôi hơi sợ. Tôi vội vàng nói với ông tài xế:

-Đây là lần đầu tiên, anh làm ơn chỉ tui lè lẹ coi làm cái gì trước.

Anh tài xế bảo tôi:

-Anh cứ việc xuống trình giấy thôi.

Xem chừng tôi lạng quạng trong việc đó nên anh tài xế dành làm luôn công tác trình giấy. Trong lúc ấy, tôi nghĩ nếu mình ngồi trên xe trơ trọi thì kỳ quá nên tôi giả đò chạy xuống gầm xe, chui vào dưới lườn xe để làm bộ sửa máy. Tôi còn quẹt dầu mỡ để họ tin mình là thứ thật.

Còn anh tài xế thì vừa trình giấy, vừa đưa bia hộp, bánh mì và thuốc lá để hối lộ bọn lính công an ở trạm gác đó. Sau khi công an trả lại giấy tờ, chúng tôi vội vàng leo lên xe đi tiếp. Trong xe, ngoài anh tài xế vừa là chủ xe ra, còn có tôi giả làm phụ xế, tôi mang giấy tờ và căn cước không dán hình của người phụ xế thật.

Trong chuyến đi của tôi có một thanh niên cũng đi vượt biên tên là Thuần. Thuần được chủ xe dấu ở dưới một cái hầm kiên cố có lót ván kỹ, chung quanh là các bao gạo loại một tạ (100 trăm ký lo). Thuần luôn phải nằm trong hầm đó vì thế rất lnóng và ngộp thở vì thiếu không khí.

Qua khỏi trạm kiểm soát, tôi vội vọt ra phía sau xe, la thật to để Thuần ở dưới lớp gạo có thể nghe được:

-Ê Thuần! Khỏe không mày?

Thuần đáp:

- Ngộp và nực quá anh ơi!

Tôi bèn chui tới móc các bao gạo che cái hầm, rồi vạch các lớp ván để Thuần có thể chui ra được. Cũng vì đã làm lao động nhiều khi còn ở tù, nên tôi không thấy khó khăn khi móc các bao gạo ấy. Mừng rỡ, Thuần nhảy ra khỏi hầm, mồ hôi hắn chảy ra nhễ nhại.

Rồi đến trạm khác, tôi lại vạch gạo cho Thuần chui vào hầm như cũ. Đến gần trạm độ một trăm thước thì xe ngừng lại, tôi bèn lấy hai tấm giấy có tên tài xế chánh và tài xế phụ cùng công vụ lịnh để trình cho lính Miên kiểm soát.

Tôi cũng nói bập bẹ vài tiếng Miên về số xe và lộ trình từ Sàigòn đi Battambang. Khi bọn lính Miên ra dấu cho phép xe đi, tôi ngoắc cho xe đi tới từ từ, rồi như người phụ xế thứ thật, tôi nhảy vọt lên xe khi xe đang chạy. Cứ thế, đến mỗi trạm thì anh Thuần phải nằm trong hầm, qua khỏi trạm, thì hắn lại được tôi móc lên để ngồi cho thoải mái.

Chúng tôi phải qua mặt đến mấy chục trạm, lần nào, cũng những động tác trình giấy như vậy, cũng móc Thuần lên và dấu hắn xuống hầm. Hễ đến bữa ăn thì chúng tôi được ăn uống đầy đủ. Đến tối hôm ấy thì đoàn xe chúng tôi đến phà bắc Neak Luông. Chúng tôi xuống xe và ghé quán ăn uống.

Lúc ấy, bắc Neak Luông rất kẹt xe. Trời sập tối, thừa lúc đông người lộn xộn, cả chủ xe lẫn dân vượt biên chúng tôi đều nhảy xuống xe để đi tắm mát.

Chuyến xe vận tải đó có bảy, tám chiếc và chở bảy người vượt biên trong đó. Có xe chở hai người vượt biên, như xe đang chở tôi. Nhưng cũng có xe không chở một người nào cả. Chủ xe nào gan mới dám chở người vượt biên. Như ông T., anh của Bảy Bòn. Tuần nào, ông T. cũng chở khách vượt biên. Ông này rất chịu chơi, ông ta tuyên bố là hễ bị ”bể mánh” thì ông ta vượt biên đi luôn.

Những người nào đi vượt biên theo kiểu chui dưới hầm bí mật được bao quanh bằng những bao gạo thì giá rẻ hơn, chỉ có ba cây (lượng) một người. Đi như vậy rất khổ sở vì cả buổi bị nằm chui rúc, quấn tròn, ngộp thở và khó chịu vô cùng. Xe chạy dằn nên nếu ai không khỏe thì chắc bịnh luôn. May là Thuần rất khỏe.

Ở bắc Neak Luong này, khi ăn cơm xong, những người tài xế phải trả tiền ăn bằng vàng. Người dân ở đây chê tiền Việt nam và họ thích lấy vàng hơn.

Sau đó, chúng tôi qua bắc và chạy đến Nam Vang. Lúc ấy, trời đã về khuya, chúng tôi vì có giấy tờ hợp pháp nên đi chơi Nam Vang. Thành phố này thật đẹp nhưng vì giới nghiêm nên chúng tôi không được đi chơi lâu.

Đêm hôm ấy, chúng tôi ngủ tại Nam Vang. Sáng hôm sau, xe bắt đầu hướng về tỉnh Battambang. Suốt cuộc hành trình, chúng tôi vẫn diễn lại các động tác; trình giấy, dấu Thuần dưới hầm khi đến trạm kiểm soát…

Một lần vì gặp xui nên có một đoàn lính Miên độ bốn, năm tên chỉa súng ra dấu xin đi quá giang xe của chúng tôi. Người tài xế bắt buộc phải để cho họ quá giang. Tôi bèn lo quá, vì cho quá giang là điều rất nguy hiểm. Vì thế tôi đành hy sinh, nhường chỗ ngồi ở gần tài xế cho bọn lính ngồi. Một thằng thì leo lên mui xe ngồi vắt vẻo, còn tôi ngồi ở trong xe với Thuần.

Trước đó, tôi có dặn dò Thuần rằng:

-Hễ êm xuôi thì tao móc mày lên cho đỡ ngộp, còn nếu có gì trục trặc là tao không thể móc mày lên được. Mày đừng đòi lên mà lộ đó nghe không!

Tính ra từ Sàigòn đến Battambang, chúng tôi phải đi mất ba ngày, ba đêm ròng rã. Khi đến Battambang, các tài xế cũng thường là chủ xe, đậu xe ở bến xe rồi tổ chức ăn uống. Họ chưa đem gạo đi giao mà lo đi móc nối với các người dẫn đường ở địa phương để bọn này dắt chúng tôi đi.

Nghe hai bên thảo luận giá cả thì hình như một đầu người phải trả là từ tám chỉ vàng đến một lượng để được dắt đến biên giới Thái Lan. Ở đây, tình trạng chúng tôi khá an toàn vì nhờ chủ xe buôn bán đồ lậu nên quen hết giới buôn lậu ở Sisophon. Nếu cần, chúng tôi có thể ở tạm nhà đám buôn lậu này mà không sợ bị bắt. Dân buôn lậu rất có ”máu mặt”. Bọn họ mua luôn cả lính Cộng Sản Việt ở Sisophon. Do đó, chúng tôi không sợ bị xét sổ gia đình. Chúng tôi chờ đợi tại khu chợ trời Sisophon đó suốt hai mươi bốn tiếng đồng hồ để chờ được dắt đi tiếp.

Khu chợ trời này ở gần Battambang. Thành phố Sisophon cũng trực thuộc tỉnh Battambang luôn. Trong khi chờ đợi, tôi đi ra phố chợ chơi vì tôi có đủ giấy tờ, công vụ lịnh và căn cước của phụ xế. Còn giấy tờ quan trọng của chính tôi thì tôi đã dấu kín ở trong xe vận tải.

Chúng tôi dắt nhau đi ăn hủ tiếu và uống Coca Cola. Ăn xong thì đưa vàng trả tiền. Bà chủ quán cắt ngay nửa cái nhẫn vàng một chỉ. Thật là đắt cắt họng. Tuy nhiên, chủ xe bao hết cho chúng tôi về các chi phí ăn uống ấy.

Đến tối, bà Miên dẫn đường tới nói chuyện đi vượt biên với chúng tôi. Bà ta nói tiếng Miên với đám tài xế chủ xe. Trong đám tài xế cũng có người biết tiếng Miên nên họ thảo luận giá cả với nhau.

Trong đám những người đi vượt biên thì có một người chưa chịu đi vì còn muốn chờ bà con từ chuyến khác đến rồi đi chung. Vì thế chỉ còn có sáu người muốn đi. Trong sáu người này thì có một anh nói tiếng Miên rất giỏi. Vì thế, bà dẫn đường đề nghị là anh ta đi đường lộ chính với bà ta, khỏi cần đi lén lút như bọn chúng tôi vì chúng tôi không biết tiếng Miên.

Tổ chức của bà Miên này rất quy mô. Sau này tôi mới biết là bà ta hoạt động kinh tài cho bọn Pol Pot. Cũng vì thế mà chúng tôi sau này đỡ bị Pol Pot hành hạ hơn những người khác. Bà Miên này có ba đệ tử là người Miên lai Tàu. Bọn họ biết tiếng Miên, Tàu và Pháp. Họ đã đưa nhiều người đi thoát rồi.

Họ hẹn đúng sáu giờ chiều hôm sau sẽ dắt chúng tôi đi tiếp. Ở vùng Sisophon và Battambang này, người ta nói chuyện đi vượt biên một cách công khai, không sợ sệt hay e dè gì cả.

Đến đúng sáu giờ chiều hôm sau, một người trong đám tài xế lấy một chiếc xe vận tải chở năm đứa tôi ra vùng ngoại ô của Sisophon. Tới một khu có cây cối rậm rạp và um tùm như rừng thì họ cho xe dừng lại.

Sau khi ngó quanh quất hai bên đường, thấy chắc ăn là không có ai qua lại, người tài xế ra lệnh cho chúng tôi xuống và chạy về phía bên tay trái và tấp ngay lùm cây rậm rạp đó thì sẽ có người đến đón. Lúc đó ở Sisophon có giới nghiêm lúc bảy giờ tối. Còn anh bạn giỏi tiếng Miên thì ở lại, đến ngày hôm sau mới đi cùng bà dẫn đường, họ dùng xe đạp đi ung dung trên đường lộ chính.


Quả thật, khi chúng tôi chạy ùa đến lùm cây thì đã thấy có ba người Miên ngồi chờ sẵn ở đó rồi. Họ thấy chúng tôi thì ôm chận lại và ra dấu cứ bình tĩnh, đừng sợ sệt gì cả. Chúng tôi thấy bọn họ đón mừng thì cũng yên tâm.

Sau đó, chúng tôi gồm tám người ngồi thảo luận dưới lùm cây, gần bờ suối. Ba người này không hề biết tiếng Việt, nhưng có một người biết tiếng Pháp. Còn năm người chúng tôi thì không ai biết tiếng Miên cả. Hồi còn trẻ, tôi có học tiếng Pháp nhưng vì lâu quá nên quên hết. Tuy vậy, khi họ nói thì hiểu chút đỉnh, nhưng lại không nói lại bằng tiếng Pháp được.

May mắn trong đám người tị nạn có anh Minh, thường được gọi là Minh Cận vì anh ta cận thị rất nặng. Anh Minh xuất thân từ trường Pháp nên tiếng Pháp của anh rất khá(Minh hiện nay ở vùng Glendale, California). Vì thế tôi rất vững dạ. Tôi bèn họp bốn người bạn đồng hành và nói:

-Trong nhóm mình, có lẽ tôi có kinh nghiệm quân sự hơn ai hết. Cho nên tôi giải thích cho các bạn lúc gặp địch thì phải đối phó như thế nào.

Sau đó, tôi giảng giải về kinh nghiệm đi xuyên rừng mà tôi đã học được trong thời gian ở quân ngũ. Tôi còn bảo Minh dùng tiếng Pháp để hỏi cặn kẽ về đường đi nước bước để nắm vững tình hình. Bọn dẫn đường nói là phải chờ mặt trời lặn đã mới dám đi. Chúng tôi đành ngồi trong lùm cây đợi khoảng một hai tiếng sau rồi mới được đi.

Trong lúc chờ đợi, tôi xúi Minh vạch kế hoạch hỏi han đủ thứ. Nào là đường đi từ đây tới biên giới Thái còn bao xa nữa. Còn nếu đi thì đến bao lâu nữa mới tới. Bọn dẫn đường trả lời là nếu đi từ tối thì đến buổi sáng mai sẽ qua khỏi tầm hoạt động của lính Cộng Sản.

Bọn họ tổ chức có vẻ đàng hoàng. Một người biết tiếng Pháp thì dẫn chúng tôi đi, còn hai người kia thì đi thám thính ở phiá trước để xem có yên không. Nếu gặp nguy hiểm thì họ sẽ trở lại để báo tin cho chúng tôi. Còn nếu họ không trở lại là vì tình hình tốt. Như vậy thì chúng tôi cứ tiếp tục đi tới. Người dẫn đường đi chung với chúng tôi thì biết đường đi nhưng anh ta phải đi chậm lại để dẫn chúng tôi.

Chúng tôi đi từ tối hôm ấy đến bảy giờ sáng hôm sau. Anh Minh bị cận thị quá nặng nên khi bỏ kiếng cận ra, anh ta không thấy đường đi, nên anh ta đi rất chậm. Các bạn khác cũng đi rất chậm vì đã quá mệt mỏi. Còn tôi cũng nhờ bị ở tù và bị hành hạ suốt 5 năm dài trong tù cải tạo nên tôi đã quen với cảnh này. Vì thế, tôi đi rất mau, vừa đi vừa thúc giục các bạn để họ đi cho kịp.

Chúng tôi không hề biết phương hướng. Chỉ biết là đi băng rừng rồi qua ruộng. Ruộng thì vừa cắt luá nên những cuống rạ đâm sước chân làm bật máu và đau nhói buốt cả tim gan. Khi vô rừng thì cỏ gai đâm nát chân. Nhưng chúng tôi cũng cố mà đi tiếp.

Khi đi vào đêm trăng sáng, mình còn thấy bóng của mình in trên mặt đất. Đến độ khoảng 10:00 giờ khuya, lúc chúng tôi đang đi trên một cánh đồng thì thình lình thấy ánh sáng của một chiếc đèn pin rọi sáng. Tôi liền quơ tay ra hiệu cho mọi người nằm sấp xuống đất. Lập tức, ba người Miên dẫn đường cũng vội vàng nằm xuống theo.

Theo quy ước, khi vô rừng thì hai người Miên đi tiền sát. Nếu đi ở đồng ruộng thì họ vẫn đi ở phía trước, nhưng chúng tôi đều nhìn thấy họ cả. Hai người Miên vội bò ngược về phiá chúng tôi. Tôi sợ quá, không biết ánh đèn đó của ai: Việt Cộng, Pol Pot hay lính Miên?

Tôi khèo Minh và bảo hắn hỏi xem người có đèn pin là ai, và có chuyện gì đáng ngại không. Bọn dẫn đường bình tĩnh trả lời rằng đó là đèn pin của những người buôn lậu. Tuy nhiên, mình cũng không nên để cho bọn người buôn lậu thấy mình. Thôi đành tạm nghỉ lại đây, chờ khuya mới đi tiếp.

Thế là cả bọn tạm kiếm chỗ nghỉ. Các bạn tôi lăn ra ngủ hết nhưng ba người dẫn đường thì chưa ngủ. Còn tôi, tôi sợ hãi nên không ngủ được. Vả lại tôi sợ ngủ quên thì bị bọn dẫn đường bỏ rơi. Tôi đã trù liệu rằng nếu gặp Việt Cộng thì tôi sẽ chạy để họ bắn với theo, còn hơn để bị bắt lại, rồi bị tù lần nữa.

Đêm qua đi chầm chậm mà tôi thì không dám ngủ. Lòng tôi bồn chồn và mất bình tĩnh nên tôi cứ thấp thỏm, nằm ngó tới ngó lui hoài. Khoảng giữa đêm khuya, khi không còn thấy ánh đèn nữa, thì chúng tôi bèn bàn nhau đi tiếp. Cũng may là anh Minh còn giữ được cái đồng hồ để xem giờ giấc.

Khi vào lại trong cánh rừng thì hai người Miên tiền sát đi trước rồi chúng tôi đi sau. Khoảng hai, ba giờ khuya, từ bên này rừng, chúng tôi đi băng qua một con đường lộ xe hơi bằng đất đỏ để qua rừng phía bên kia.

Khi qua đến phía bên kia của con đường lộ thì chúng tôi thấy có rất nhiều con đường mòn khác nhau. Các bạn tôi đi quá chậm. Trong khi ấy, hai người Miên tiền sát đã đi mất hút về trước. Thế là chúng tôi bị lạc mất, không còn thấy hai người dẫn đường ấy đâu nữa.

Đến đó, tôi sợ quá, bèn kêu người Miên dẫn đường còn lại và hỏi hắn trong ngôn ngữ quốc tế:

-Anh có thể dẫn chúng tôi đến trại tị nạn không?

Anh chàng Miên gật đầu và nói là có. Nhưng qua cách dẫn đi của hắn, đi qua lại lòng vòng, tôi đoán chắc là hắn ta không biết đường đi. Hắn lại có vẻ suy nghĩ và lo âu điều gì. Tôi nghĩ bụng:

”Có lẽ thằng qủy này không biết đường đi rồi đây!”

Cuối cùng, tên dẫn đường bèn nói thật là hắn không rành đường đi và hắn cũng đang sợ lạc. Nghe vậy, tôi lại nghĩ khác, tôi nhủ thầm:

”Chắc là bọn tôi bị chúng gạt rồi. Đúng là đem con bỏ chợ rồi. Tổ chức này là tổ chức ma rồi đây!”

Nghĩ thế, tôi bèn quay sang bàn luận với bạn bè:

-Bây giờ mạng mình còn hay mất là do nơi thằng này đây. Nếu nó trốn đi là mình chết hay bị bắt ngay. Mình phải bám sát lấy nó, đừng cho nó chạy đi. Bằng mọi giá phải nắm lấy nó!”

Thế là tôi đi bám sát lấy người Miên dẫn đường. Đến độ bốn giờ sáng, người dẫn đường dừng lại và nói rằng hắn không biết đi đường nào nữa, thôi đành chờ đến sáng thôi! Tôi phản đối ngay:

-Không được, lỡ mình nằm đây mà gặp lính Việt Cộng hành quân qua thì họ bắt tụi tui rồi làm sao?

Lúc ấy, chúng tôi cứ đi, lúc vào rừng, lúc ra ruộng. Tôi cứ dặn dò các bạn đồng hành hãy cố bám sát người dẫn đường kẻo hắn bỏ rơi mình dọc đường, nhưng dường như không ai chịu nghe lời tôi cả. Tên Miên kia đòi đi cầu, tôi lại sợ hắn lấy cớ bỏ đi nên tôi cũng làm bộ đi cầu như hắn. Thực ra, tôi không mắc cầu nhưng vì muốn theo sát hắn để canh chừng.

Trong lúc tôi sợ đến có thể điên được thì các bạn đồng hành cứ ngủ tỉnh bơ. Riêng tôi, tôi nằm mà lấy chân thò ra để đụng cho được người của tên dẫn đường để hễ hắn dang ra là tôi biết ngay.

Mỗi lần dừng chân, tôi đều nhắm hướng tây bắc, tây nam để mà kiếm cách đi qua Thái Lan. Đến khi nằm chờ ở đó thì chúng tôi lại may mắn nằm gần con đường mòn của dân đi buôn bán chợ Trời.

Khoảng sáu giờ sáng thì có tiếng gà rừng gáy, chúng tôi lại tiếp tục đi nữa. Chúng tôi gặp một con kinh đào nhưng cạn khô hết nước. Cả bọn chúng tôi leo lên đập bờ kinh đào để đi thẳng về hướng tây. Đi nửa chừng, chúng tôi gặp ba người có dáng điệu của nông dân, họ quấn xà rông. Tôi lại sợ hết hồn, bèn nghĩ thầm:

”Chết rồi, tụi này có lẽ là bọn nằm vùng, lỡ nó tố cáo mình thì chết!”

Nghĩ vậy nhưng chúng tôi vẫn đi thẳng, rồi muốn tới đâu thì tới. Đi một chập lâu, chúng tôi gặp một đoàn xe đạp đi từ Sisophon đến Thái Lan. Tôi quá mừng vì biết là con đường này đi lên biên giới rồi.

Chúng tôi tiếp tục đi men theo con đường ấy. Đi thêm độ hai ba tiếng nữa, thì người dẫn đường cho biết là đường mòn này thường hay có dân buôn lậu từ biên giới đi và về. Người ta đi lại tấp nập bằng xe đạp, còn chúng tôi thì đi bên cạnh lề đường.

Vùng này hình như thuộc vùng trái độn, là ranh giới giữa lính Việt Cộng và Pol Pot. Chúng tôi cứ cắm đầu đi mãi. Đến một lùm cây nọ, tôi thấy trong bụi cây có một toán lính gồm năm, sáu người trông giống như Việt Cộng. Họ mặc quần xà lỏn, áo đen, choàng khăn cà ma, đi dép râu và đeo súng AK.

Ngay lập tức, họ ùa ra đứng đón chận chúng tôi. Hồn vía lên mây, tôi cùng một người bạn, cũng ở trong quân đội ngày xưa bèn quay chạy ngược về phía cũ để trốn bọn lính này. Như một phản ứng dây chuyền, những người dân buôn bán chợ trời đang đi, thấy tụi tôi chạy, họ cũng hoảng hồn chạy tán loạn luôn. Tôi bèn ra dấu đón một xe đạp để xin quá giang về lại phía Sisophon, nhưng tôi bị bọn đi xe đạp đá văng luôn. Tôi la lên:

”Bòn ơi! Bòn ơi!” (Anh ơi! Anh ơi!)

Vừa chạy, tôi vừa nhìn lại để xem bọn lính có rượt theo không thì thấy họ không thèm rượt. Người dẫn đường không chạy, ba người bạn đồng hành là Thuần, Minh, và Bòn cũng không chạy. Tôi hơi mừng nên nằm trong một bụi cây để lén ngó về phía mấy người lính ấy.

Khi đó, bọn lính chỉa súng kêu ba người bạn của tôi đến để khám xét. Xét xong, bọn họ cho ba người ấy đi vào. Cùng lúc đó, người dẫn đường chạy về phiá tôi và ngoắc tôi um sùm. Tôi không dám chạy về phiá đó nên cũng ngoắc hắn lại gần. Bọn lính kia là lực lượng Pol Pot. Tôi hỏi người dẫn đường:

-Ho là lực lượng nào? Cộng sản Nam Vang hay Pol Pot?

Anh Miên trả lời:

-Đó là lực lượng Pol Pot.

-Họ có giết mình không?

-Không!

Tôi không tin lời hắn nên bắt hắn giơ tay thề là đã nói thật. Xong hắn dắt tôi với người bạn đi về phiá lính Pol Pot. Bọn lính này dắt tôi vào bụi rậm để xét hành lý của tôi. Chúng lấy hết thuốc trụ sinh của tôi, còn bình nước và nhúm lương khô thì chúng không lấy.

Sau đó, chúng bắt tôi cởi quần áo ra để chúng xét lấy vàng. Chúng banh hậu môn tôi ra để tìm của qúy. Người bạn tôi cũng bị xét như vậy. Thế rồi chúng chỉ vô phía trong rừng và nói với tôi:

”Tâu Xiêm!”, tức là đi Thái Lan.

Vì đã mỏi mệt và mất tinh thần quá rồi, nên chỉ đi độ năm trăm thước là tôi dừng lại và bàn chuyện với người đẫn đường và người bạn. Còn ba người kia đã bỏ đi mất hút về phía trước.

Tôi bèn quay lại bảo người dẫn đường bằng tiếng Pháp pha trộn:

-Tới đây rồi bây giờ anh có cách nào dắt tôi về lại Sisophon và giao tôi cho chủ cũ được không? Đi thêm nữa chắc chết quá!

Anh Miên dẫn đường cố khuyên nhủ tôi:

-Thôi đừng có dại, Pol Pot là bạn chứ không phải là thù đâu. Cứ việc đi vào đi, không có sao hết!

-Anh có bảo đảm với tôi là Pol Pot sẽ không giết tôi không?

-Thì anh thấy đó, họ đâu có giết anh đâu. Họ thả anh ra đó!

Tôi rất lo âu vì từ hồi nào đến giờ, cái tiếng xấu của Pol Pot về nạn diệt chủng thì tôi nghe đã nhiều rồi. Lại đã ở tù dưới chế độ Cộng Sản rồi nên bây giờ tôi sợ ghê lắm.

May là anh Miên dẫn đường này có giấy giới thiệu của Pol Pot nên đến trạm nào, anh ta cũng trình giấy và được đi lại dễ dàng. Anh ta là em trai của bà Miên mà bà ta lại ở trong tổ chức kinh tài của Pol Pot. Tuy nhiên, không phải vì anh ta có liên hệ với Pol Pot mà chúng tôi không bị lục xét. Có lẽ cũng nhờ hắn có liên hệ với Pol Pot mà chúng tôi không bị giết hại như nhiều người tị nạn Việt khác.

Lúc đó, chúng tôi đã đi vào làng của Pol Pot, thuộc vùng an toàn. Tôi vốn đa nghi nên nằng nặc đòi trở về Sisophon. Anh Miên kia thì cứ dỗ dành tôi đừng về vì về là dại lắm. Tôi lại quay ra bàn chuyện với người bạn đồng hành thì anh này nói:

”Thôi kệ, đã lỡ rồi, cứ đi luôn, đừng về nữa!”

Chúng tôi lại tiếp tục đi sâu vào khu làng Pol Pot. Càng đi sâu vào, tôi càng cảm thấy thân phận dân tị nạn chúng tôi còn khổ và nhục nhã thua một con chó. Cứ vài bước lại có một trạm gác. Bọn lính Pol Pot lại bắt chúng tôi cởi áo quần ra cho chúng khám xét.

Lục xét cả hậu môn. Chúng “làm thịt” chúng tôi thật kỹ. Trong lúc ấy, anh chàng Miên dẫn đường đứng chờ cho bọn chúng xét chúng tôi. Chúng tôi đã mệt quá sức và uể oải vô cùng.

Cơn khát đến làm chúng tôi chịu hết nổi. Đi dọc đường, gặp nước gì thì chúng tôi uống đại nước ấy. Có những chỗ gặp người ngồi bán nước ngọt, xi rô hay nước đá, tôi thèm nhỏ dãi. Người dẫn đường của tôi cũng thuộc loại người tử tế nên anh ta trả tiền để chúng tôi được uống nước xi rô ngọt. Uống một ly không đủ, tôi uống đến hai ly.

Càng đi sâu vào trong rừng, chúng tôi càng gặp nhiều trạm gác. Tới trạm nào, chúng tôi cũng bị lôi ra lục xét để kiếm vàng. Bị xét mãi, chúng tôi đến phát chán và cảm thấy nhục nhã. Tới đây đã thuộc vùng kiểm soát của Pol Pot. Đạn giao tranh bay ào ào, chắc là có đụng độ giữa Pol Pot và Việt Cộng.

Trên đường đi, người dẫn đường gặp rất nhiều người quen với anh. Bởi vậy, anh ta hỏi thăm tin tức người chị gái của anh, tức là người phụ nữ ở trong tổ chức. Người quen cho biết là chị của anh sắp đến rồi. Tôi nghe anh ta dịch lại lời đó thì mừng vô cùng.

Lúc còn ở Sisophon, bà này đã dặn chúng tôi là sáng hôm sau hễ chúng tôi đi tới đâu sẽ gặp bà ta tại đó. Bà này đi xe đạp với người bạn biết tiếng Miên của chúng tôi.

Tuy mừng nhưng tôi vẫn nghi anh chàng kia đặt chuyện để chúng tôi yên lòng. Chúng tôi vẫn cắm cúi đi tiếp đến độ hai giờ trưa. Lúc ấy trong bụng tôi đói cồn cào vì chưa có một hột cơm nào cả. Vừa lúc ấy, bà chị của anh dẫn đường vừa đạp xe tới cùng với người bạn đồng hành của tôi. Anh này thấy chúng tôi nhưng không dám nhìn và đạp tới trước luôn.

Thấy bà ta, tôi mừng hết lớn, bèn than van với bà ấy:

-Mệt quá, đi hết nổi rồi chị ơi!

Bà này liền đứng lại đón xe bò để chúng tôi leo lên ngồi. Người chở xe bò cũng không dám chở chúng tôi nên anh dẫn đường phải đưa giấy đi đường của Pol Pot cấp cho anh để anh xe bò xem. Bà Miên còn móc túi trả tiền xe cho chúng tôi.

Hên thật, ngồi trên xe bò, tôi duỗi thẳng chân ra và thở một hơi dài khoan khoái. Lúc ấy mới thấy thoải mái. Tôi có cảm tưởng như mình đang được đi xe hơi Mercedes vậy. Ba người bạn: Thuần, Minh và Bòn cũng leo lên xe bò đi chung.

Ngồi trên xe bò, chúng tôi vẫn không yên thân với bọn lính Pol Pot. Tới mỗi trạm, bọn lính này lại kêu lên:”Dzun!” (có nghĩa là người Việt Nam) và họ bắt chúng tôi xuống xe để họ khám xét. Mỗi lần chúng tôi bị lục xét thì người đánh xe bò cũng chịu khó đứnglại chờ chúng tôi.

  Làng Mạc Của Lính Pol Pot Ở Vùng Biên Giới Thái Và Cambodia.


Đến gần tối, xe bò đưa chúng tôi vào một khu chợ trời biên giới ở trong vùng của Pol Pot kiểm soát. Khu này cách biên giới khá xa. Người Miên buôn bán tấp nập, nào là quán cơm, quán bán giày dép , vải vóc và mọi thứ tạp hóa.

Lúc ấy, tôi đã tưởng là đến biên giới Thái và Cambodia rồi nên chúng tôi mừng rỡ. Khu này có bí số là vùng 007, đó là trại Non Makmun thì phải. Đây cũng như là căn cứ địa của Pol Pot vì có nhiều lính tráng.Họ ăn mặc rất xốc xếch: quần dài, quần cụt, quần xà lỏn. Vải màu, vải dù, hoặc đồ đen nội địa. Có người thì quấn xà rông, đi dép râu và đeo súng do Trung Cộng chế tạo.

Tới đây coi như hết đường đi tiếp nên chúng tôi năm người lại gặp nhau. Bà dẫn đường lúc ấy mới kể là khuya hôm trước, khi vừa lạc chúng tôi, hai người cộng sự viên của bà đã về lại Sisophon để báo cáo rằng họ lạc mất chúng tôi. Vì thế, bà ta phải đi kiếm tìm chúng tôi. Xong, bà ta kêu cho chúng tôi năm dĩa cơm lớn để ăn. Bụng thật đói nhưng chúng tôi không ăn nhiều được.

Khi vô làng Pol Pot, chúng tôi gặp rất nhiều người tị nạn Việt Nam ở đó. Có thể xem như đó là nơi tụ họp của người tị nạn. Một chập, tôi lại thấy bọn lính tay cầm súng, đem theo một đám người mới vào trại. Rồi lại có những nhóm người khác được lần lượt đưa vào.

So sánh với những nhóm người tị nạn Việt khác thì nhóm năm người chúng tôi được ưu đãi hơn hết vì người dẫn đường của chúng tôi là tay hoạt động kinh tài cho bọn lính Pol Pot.


1/ Pol Pot ngược đãi, hành hạ và hãm hiếp người tị nạn Việt Nam.


Tuy vậy, chúng tôi cũng chịu nhiều nhục nhã, chẳng hạn như lúc đang ngồi ăn thì một thằng lính trẻ, cỡ mười ba, mười bốn tuổi đến chỉa súng khều chúng tôi đi theo để cho nó khám xét.

Lúc ra đi, mẹ tôi đưa cho tôi hai chỉ vàng để làm của hộ thân. Tôi đem theo để lỡ có bị bắt giữa đường thì đưa ra hối lộ để được đi tiếp. Còn các bạn tôi, ai cũng đem theo một hai chỉ để phòng hờ.

Khi còn ở Sisophon, chúng tôi đã dò hỏi tin tức nơi bà dẫn đường. Bà ta cho biết là đem vàng theo dọc đường vượt biên thì rất nguy hiểm. Vì thế, bà ta đề nghị chúng tôi đưa hết vàng cho bà ta giữ giùm, rồi khi đến trại tị nạn, bà ta sẽ hoàn trả lại cho chúng tôi xài sau.

Khi đến làng Pol Pot, chúng tôi thấy bọn lính xét kỹ quá nên không dám đòi số vàng từ bà kia. Nhưng trong bọn chúng tôi, có người lại tưởng là đến biên giới rồi nên mở miệng đòi vàng lại. Bà Miên không chịu trả và cho biết là ở đây chưa trả được, hãy cố đợi khi đến nơi đã. Lúc ấy, chúng tôi tất cả đều nghi rằng bà ta muốn đoạt số vàng của mình.

Ăn vừa xong thì bà Miên trả tiền cơm. Vừa lúc ấy, bọn lính Pol Pot bắt một nhóm ba bốn người để đi xét của. Nhóm có đủ đàn ông, đàn bà và con nít. Khi đi gần đến chỗ chúng tôi, các nhóm kia hỏi nhỏ và tỏ ra rất ngạc nhiên khi thấy chúng tôi được ưu đãi hơn bọn họ.

Trong khi bọn họ phải ngồi dưới đất thì chúng tôi được ngồi trên ghế, lại còn được ăn uống thỏa thuê. Một anh tị nạn tới nói nhỏ với tôi để xin cho anh ta ăn cơm. Tôi liền xin bà Miên cho họ ăn cơm. Bà ta bằng lòng cho các người ngồi gần đó ăn cơm và trả luôn tiền cơm cho bọn họ.

Sau đó vì thấy chúng tôi quá mỏi mệt, bà Miên nói với bọn lính Pol Pot để họ cho phép bà ta mướn xe đạp chở chúng tôi vô sâu trong sào huyệt của Pol Pot. Trong khi các người khác phải lội bộ đi vào trong đó thì chúng tôi được đi xe đạp. Xui cho tôi là người chở xe đạp rất dã man. Người ta thuê nó để nó chở tôi. Nay nó lại bắt tôi chở nó. Vì đã thức khuya và lo âu nhiều đêm nên tôi mệt đến muốn xỉu. Tôi đạp xe mà té liên tiếp. Thằng kia ngồi đàng sau vẫn tỉnh bơ.

Sau cùng, bà Miên thấy cảnh tình tôi quá tội nghiệp, bà ta liền kêu thằng xe kia qua đi xe của bà, còn bà ta thì đi xe của nó và chở tôi phiá sau. Đã tưởng yên thân, nào ngờ bọn lính Pol Pot trên đường đi thấy tôi ngồi phía sau, bọn chúng bắt buộc tôi phải chở bà ta chứ không cho bà ta chở tôi.

Đạp một đỗi thật xa thì chúng tôi đã vào sào huyệt của Pol Pot. Xuống xe là tôi mệt lả. Thằng lính nào thấy chúng tôi mới đến cũng xét thật kỹ. Quần áo mình đem theo, chúng lựa cái tốt lấy hết. Đôi dép râu còn tốt của tôi, chúng cũng đổi vì nghi là tôi dấu vàng trong dép. May cũng nhờ bà Miên có tiền mua chuộc bọn lính nên bà mới nhờ bọn chúng nấu cơm và mang cá khô ra cho chúng tôi ăn.

Đêm ấy, tôi trở bịnh tưởng chết rồi. Tôi chỉ ăn có một chút nhưng rồi nôn ói ra hết. Lúc ấy, tôi mới hối tiếc là đã ngu nên bị gạt để đến sào huyệt Pol Pot cho chúng giết hại mình. Cái tiếng xấu của bọn Pol Pot còn mãi từ hồi trước đến giờ.

Tôi bèn nói bà Miên xin bọn Pol Pot cho tôi thuốc để uống cầm bịnh. Lúc khoảng 11:00 giờ khuya, bọn Pol Pot lùa tất cả chúng tôi vào một cái lều để ngủ chung giữa cảnh rừng bao la. Sau đó tôi mới thấy thoải mái một chút.

Chỗ tôi ngủ đêm hôm ấy coi như là trạm đầu tiên. Sáng hôm sau, họ gởi chúng tôi đến trạm thứ hai. Nơi này được xem như một bản doanh nhỏ của lính Pol Pot. Trên đường di chuyển, tôi thấy các khu nhà của người Miên tị nạn ở rất sầm uất và đông vui.

Trở lại chuyện bà Miên dẫn đường: Khi tôi tới trại có thằng độc nhãn thì bà ta đã hết trách nhiệm vì bà ta đã giao chúng tôi cho Pol Pot. Trước khi chia tay, bà ta nói là bây giờ an toàn rồi, nên bà ta trao trả số vàng bà đã cất hộ cho tụi tôi để tụi tôi xài.

Tôi nghĩ nếu mình có lấy số vàng ấy lại thì cũng bị bọn Pol Pot cướp mất thôi, chi bằng nhờ bà ta đem số vàng ấy về giao trả lại cho gia đình tôi thì tốt hơn. Thế là tôi lên tiếng nhờ bà ấy đem hai chỉ vàng về trả cho má tôi. Các bạn tôi cũng nghĩ như thế. Cuối cùng, ai cũng nhờ bà Miên đưa vàng về lại cho người nhà của họ. Sau này, má tôi viết thư cho biết là bà Miên đã trả đủ cho má tôi số vàng ấy.

Tại trạm thứ hai này, chúng tôi thấy sợ hãi nhiều hơn. Bọn lính Pol Pot cho chúng tôi ngồi chờ trong cái chòi nhỏ từ sáng đến trưa. Trưa đến chúng đem ra cho chúng tôi một thùng cơm và vài nhúm muối. Nhìn thấy đàn ruồi bu cơm đen đặc nhưng vì đói quá nên chúng tôi bốc cơm ăn đại cho đỡ cơn đói.

Ăn xong, chúng tôi ra dấu xin nước uống, chúng bèn xách một thùng nước đục ngầu ra cho chúng tôi uống. Thế là mạnh ai nấy đều bưng cả thùng nước uống một cách ngon lành chứ chẳng ai có ly hay tô để múc nước cả.

Khoảng hai giờ chiều, sau khi ăn xong, tôi tò mò ngó nhìn quanh quất thì thấy ở phía xa có một chòi nhốt hai hay ba người tị nạn Việt Nam. Tôi nhìn qua phía khác cũng lại thấy một chòi nhốt hai ba người tị nạn khác. Đến chiều hôm ấy thì bọn Pol Pot giải một nhóm gồm chín người tới. Trong nhóm ấy chỉ có một người đàn bà, còn bao nhiêu là đàn ông và con trai. Người đàn bà ấy là chi Đ., chị là người mẹ đã lạc mất đứa con gái sáu tuổi trên đường vượt biên. Hiện nay chị Đ. ở Tulsa, Oklahoma,USA, còn con gái chị vẫn mất tích từ tháng 5,1980 đến nay.

Chiều hôm ấy, bọn Pol Pot tập trung mười bốn người tị nạn Việt lại và để cho ở chung trong một cái chòi lớn. Chúng tôi vì có đông người nên nói chuyện vui vẻ. Câu chuyện nổ như pháo rang.

Tôi được biết chị Đ. bị hãm hiếp rất nhiều lần. Thường thường thì bọn Pol Pot hãm hiếp chị tập thể, ngay trước mắt các bạn đồng hành ở hung một toán với chị ta. Nghe đâu chị Đ. bị bắt đã lâu rồi, nay mới được giải giao về trạm này để chúng làm thủ tục điều tra.

Suốt trong mấy ngày trời ở trạm này, đêm nào chị Đ. cũng bị bọn lính tới làm phiền và phá phách. Ngay đêm đầu tiên, chúng tôi xếp cho chị Đ. nằm ở giữa cái sàn, chung quanh là các cậu thanh niên nhỏ. Còn các người đàn ông lớn tuổi thì nằm chung quanh sân, nhưng nằm ở sàn đất vì cái sàn chỉ đủ chỗ cho bốn năm người ngủ mà thôi.

Ở sào huyệt này, đa số bọn ”lục thum” đều có vợ. Có một số lính cũng có vợ, nên chỉ có những thằng lính trẻ măng cỡ mười ba, mười bốn vô giáo dục, lại chưa biết gì về sinh lý thì chưa có vợ thôi. Vì thế, bọn chúng coi nạn nhân như thú vật. Chúng hành hạ và làm nạn nhân bất mãn và cảm thấy bị sỉ nhục, bị xúc phạm đến nhân cách. Chúng lại hay làm ẩu.

Vì thế, chúng tôi luôn căn dặn chị Đ. phải để đầu tóc rối bù, trét bùn vào mặt, ăn mặc xốc xếch để bọn chúng chán mà không ngó ngàng đến chị nữa thì may ra chị mới được yên thân.

Lúc đó, tuy không ai chỉ định người nào làm trưởng nhóm, nhưng tôi thấy mình có trách nhiệm. Vả lại, tôi cũng thấy mình có kinh nghiệm và sự hiểu biết chút ít nên tôi thường đứng ra chỉ dẫn, điều động và liên lạc.

Thoạt đầu, mới gặp chị Đ., tôi nhận thấy chị tơi tả, mệt nhọc, chân thì sưng phồng mọng nước nên đi không nổi mà phải lết bò, tôi đã biết chắc chắn là chị bị chúng làm nhục nhiều lần rồi. Vì thế tôi mới tìm cách sắp xếp chỗ ngủ cho chị ta.

Đã tưởng như vậy là yên, ai ngờ cỡ một, hai giờ đêm, bọn lính Pol Pot tới chòi tôi, rọi đèn pin để lùng kiếm chị Đ. Rồi đêm nào cũng vậy, bọn chúng kéo chị ta ra khỏi chòi để làm nhục chị.

Có một đêm,bọn chúng làm dữ. Thằng xếp chỉ huy bọn lính Pol Pot ở trạm đó chỉ còn có một mắt, chúng tôi thường gọi hắn là thằng Độc Nhãn. Thằng này rất hận thù Việt Cộng và quân đội của Việt Nam Cộng Hòa cũ. Đêm ấy, hắn kéo lính tới chòi của tôi để lôi kéo chị Đ. ra ngoài chòi, cách đó không xa để hãm hiếp chị.

Bọn chúng cởi quần áo chị Đ. ra để vọc chơi, đùa giỡn và phá phách như mèo vờn chuột. Tôi nằm trong chòi nghe tiếng chị Đ. khóc lóc, năn nỉ và van xin chúng tha mà tôi chịu không nổi. Đó mới chỉ là đồng bào mình chứ chẳng phải là người nhà. Nếu là người thân của mình chắc là mình phải can thiệp thôi.

Đêm ấy, chúng không hãm hiếp chị. Tôi đoán chắc là sau một thời gian cực khổ lâu dài, lại không có nước để tắm gội, lại bị làm nhục nhiều lần nên người chị ta dơ dáy và hôi hám. Vì thế bọn chúng không thèm. Khi chị Đ. được giải đến chung trong nhóm tôi, khi ngồi gần chị thí ai cũng đã ngửi toàn là mùi hôi thối rồi.

Ban ngày thì chúng tôi phải ăn bốc cơm với mắm bồ hóc. Hễ đêm đến thì sợ cho chị Đ.. Vì thế, tôi rất mong được đi sớm để đến trại tị nạn. Thường thì cứ đến chiều tối lại có một đám thanh niên người Miên đến chơi với chúng tôi.

Trong nhóm tôi có một anh biết tiếng Miên, nên chúng tôi cứ nhờ anh này dịch lại những vấn đề mà chúng tôi muốn khai thác từ những cậu thanh niên Miên ấy. Chẳng hạn như bao giờ được đi chỗ khác, rồi nếu rời trạm này thì chúng tôi sẽ còn phải đi đến những nơi nào khác nữa…

Tôi và anh Minh rất khổ sở vì cận thị phải đeo mắt kiếng. Chính vì thế, nên bị thằng Độc Nhãn điều tra kỹ hơn, vì hắn nghi những người cận thị là kẻ học cao và có chức vụ lớn hơn.

Khi mở cuộc điều tra, thằng Độc Nhãn hù chúng tôi rất nhiều. Hắn tự nhận là nhân viên của đơn vị quốc tế chứ không phải của Pol Pot. Hắn muốn chúng tôi phải khai lý lịch thật và nói hết sự thật về nguyên quán và nghề nghiệp. Hắn hù là hắn sẽ cho nhân viên của hắn ở Việt Nam tìm hiểu quá khứ của chúng tôi. Nếu khai gian sẽ bị trừng phạt nặng.

Đã chuẩn bị kỹ nên tôi sắp đặt sẵn trong đầu là khi bị thẩm vấn, tôi sẽ giả dạng là người Tàu vì tôi biết tiếng Tàu. Vì thế, khi bị hắn thẩm vấn, tôi không dám khai mình là sĩ quan của Việt Nam Cộng Hòa, mà khai là thương gia ở Sàigòn. Tôi kể rất nhiều về việc làm ăn và buôn bán cho hắn nghe. Rồi lần lượt, từng người một đều bị hắn điều tra và thẩm vấn kỹ lưỡng.

Vì bị hành hạ và khủng bố tinh thần nên có một số thanh niên tị nạn âm mưu cùng nhắm hướng Thái Lan mà trốn đi. Vô phúc, bọn Pol Pot biết được, chúng báo động rồi bao vây, bắt lại được trọn ổ. Chúng lôi các nạn nhân ra đánh cho một trận tơi bời. Hiện nay, một trong những thanh niên bị đánh gần chết đó là anh T., anh đang ở thành phố Huntington Beach, California.

Thằng Độc Nhãn làm việc trong ba ngày, ba đêm. Đến ngày thứ tư, hắn ra lịnh cho giải giao mười bốn người chúng tôi đến sào huyệt chính của Pol Pot. Đường đi rất xa, phải băng qua cả núi rừng vì sào huyệt của chúng ở gần biên giới Thái hơn.

Trên đường đi, tôi không thấy xác người chết nhưng các người đi tới trước tôi kể lại là họ đã thấy tận mắt những xác chết nằm ngổn ngang ở dọc đường. Đàn ông, đàn bà và con nít đều chết thảm khốc bởi những vết đạn. Người họ dính dầy máu khô.

Dọc đường, đa số chúng tôi mệt nên không đi nổi, nhất là chị Đ., tội nghiệp cho chị ta, chị không còn lết được. Bọn Pol Pot độc ác dã man vô cùng. Chúng ra lịnh cho chúng tôi bằng mọi giá phải đưa chị ta đi. Chúng không cho phép ai được ngồi nghỉ hay chờ đợi. Như để thị oai, chúng giơ súng bắn chỉ thiên lên trời rồi dọa bắn chết hết nhóm mười bốn người chúng tôi nếu không ai chịu cõng chị Đ. đi.

Vì sợ bị bắn chết nên tôi xung phong cõng chị Đ. đi trước. Đi độ một hay hai trăm thước, tôi mệt quá nên bỏ chị ta xuống và yêu cầu người khác cõng chị đi tiếp. Ai cũng phải cõng chị Đ. đi cả. Duy chỉ có một mình anh Minh là nhất định không chịu cõng chị ấy. Anh ta viện cớ là anh đã quá mệt, đi còn không nổi, làm sao mà cõng thêm người khác đi nữa. Chị Đ. thì đã quá sức chịu đựng. Chị không còn đi được nữa vì chân chị sưng phù lên, nước bọng đầy ở các vết sưng đó.

Theo lời kể của những người đến sau chúng tôi thì trong nhóm đó có một phụ nữ người Hoa Chợ Lớn mang theo một cô con gái và một cô cháu gái ở lứa tuổi mười bảy, mười tám. Tới đó, thằng Độc Nhãn đã hãm hiếp hai cô gái này nhiều lần. Rồi sau đấy, bọn Pol Pot thay nhau lục xét, vọc chơi và hành hạ hai cô. Cứ hàng đêm hai cô trở về chòi và khóc sướt mướt.

Khi chúng tôi được giải qua trạm sào huyệt chính của Pol Pot thì tôi gặp một anh thanh niên Việt Nam tị nạn đã ở đấy từ lâu. Chúng tôi cùng tấp vào ở chung với anh ta. Lúc này, bọn lính ở đây ra nhận chúng tôi rồi chúng chia lều cho chúng tôi ở. Sau đó, chúng dặn dò và hăm dọa chúng tôi không được đi ra khỏi vùng của chúng vì vùng này có gài mìn, nếu đi lang thang sẽ bị đạp mìn chết ngay.

Cũng nên nói thêm về sự dã man và tham lam của bọn ”lục thum” Pol Pot ở sào huyệt chính, gần biên giới Thái Lan. Ban ngày thì không sao nhưng đến đêm là bọn họ lôi chúng tôi đi tra xét để lột vàng và đồ qúy.

Khi đám chúng tôi yêu cầu bà Miên dẫn đường đem vàng của chúng tôi về trả lại cho thân nhân ở Việt Nnam thì bọn Pol Pot đều biết là chúng tôi không còn gì cả.

Nhưng có một nhóm người tị nạn đến sau nhóm năm người chúng tôi. Họ vốn là chủ xe vận tải chuyên đưa mối vượt biên và còn mang vàng bạc đi vượt biên luôn, như anh H. và anh S. tới thì bọn Pol Pot hoành hành dữ dội. Lúc vừa đến, vì là chỗ quen biết , các anh H. và S. dò hỏi thăm tôi về tình hình bọn Pol Pot xấu hay tốt. Tôi nói rằng có một ”lục thum” trẻ của Pol Pot ăn nói tử tế.

Sau đó, bọn anh H. và S. lôi vàng ra nhờ các cô gái Miên ra chợ mua giùm vài cái trứng vịt để về ăn với cơm. Từ hôm đó, đêm nào cả toán chúng tôi cũng bị lôi đi để lục xét vàng. Hễ cứ độ 12:00 giờ hay 1:00 giờ khuya là Pol Pot bắt từng người ra xét. Chúng lấy tay để thọc hậu môn mà kiếm vàng. Tôi may mắn ít bị xét hơn. Sau này, chúng tôi mới biết là có kẻ trong nhóm làm ”ăng ten”, báo cáo cho lính Pol Pot về những ai dấu vàng chưa đưa hết cho chúng.

Chúng tra xét những người mới tới mà còn dấu vàng. Chúng còn hăm dọa đòi bắn chết nếu không nộp hết vàng cho chúng. Những người tị nạn mới tới ấy cũng rất khôn. Họ lén chôn vàng ở gốc cây nhưng ngày nào cũng bị tra xét dữ dội nên cuối cùng, họ đành giao hết số vàng cho bọn lính Pol Pot.

Trường hợp anh Minh dấu vàng trong hàm răng gỉa, vậy mà bọn Pol Pot cũng tìm ra và cướp mất. Điều này chứng tỏ là có bọn ”ăng ten” ngay trong nội bộ của dân tị nạn. Trong nhóm mười bốn người chúng tôi thì có chín người không có vàng và năm người còn dấu được vàng. Vì thế, năm người này bị Pol Pot chiếu cố kỹ lưỡng.

Cứ đến khuya là bọn chúng đến chòi, rọi đèn pin vô mặt từng nạn nhân rồi lôi kéo họ đi đến chỗ khác, bắt cởi quần áo để mò và xét. Có khi chúng trói thúc ké nạn nhân và tra hỏi cho kỳ được. Chúng quần thảo nạn nhân quá sức đến độ nạn nhân chịu hết nổi mà lòi vàng ra.

2/ Lao động khổ sai tại trại tù của lực lượng Pol Pot.

Từ đó, cứ mỗi ngày bọn lính Pol Pot đều phân công cho nhóm dân tị nạn chúng tôi làm công tác lao động khổ sai như vác củi, đào hầm hố, giao thông hào, hầm chiến lược và đi tải gạo.

Chúng tôi sợ nhất là công tác tải gạo. Từ sào huyệt của Pol Pot đến nơi để lấy gạo về thì rất xa, tôi không thể biết là bao cây số, nhưng chúng tôi phải đi cả nửa ngày mới tới nơi. Đó là nơi hội HTTQT phát gạo cho dân Miên. Nơi này có rất nhiều trại tị nạn của người Miên. Gạo được phát rất nhiều, nhiều đến nỗi phải chất từng trăm bao gạo ở ngoài ruộng rồi họ lấy vải lều để đậy lên. Trông những bao gạo nhiều đến phát mê luôn.

Chúng tôi phải lội bộ mà vác gạo về. Không có bao để đựng. Vì có kinh nghiệm ở tù Cộng Sản Việt Nam nên tôi chỉ cách cho các bạn cởi quần dài ra, túm hai ống quần lại rồi bỏ gạo vô đó để vác về trạm.

Thật tội nghiệp cho các cậu thanh niên mới lớn lên. Bọn họ đi không nổi vì mệt và phải vác nặng. Họ té lên té xuống. Mỗi lần họ bị té là bọn Pol Pot cầm roi đánh túi bụi, trông họ y như một con thú vật bị chủ hành hạ.

Vác gạo bằng cách cột ống quần thì không đem về được nhiều gạo. Nhưng chúng tôi vẫn phải bị bắt buộc làm như thế. Chúng không cấp cho xe bò để chở dễ dàng hơn. Hình như chúng chỉ muốn hành hạ dân tị nạn Việt Nam cho bỏ ghét.

Lại nữa, chúng tôi rất sợ bị Việt Cộng tấn công vào khu này. Nếu họ tới thì chúng tôi không có chỗ chạy, nếu chạy lạng quạng lại bị đạp mìn. Đêm đêm chúng tôi đều nghe tiếng súng nổ rất gần. Súng nổ thật lớn, mỗi lần nghe tiếng súng nổ là chúng tôi lo thu dọn hành trang để kiếm hướng Thái Lan mà chạy trốn.

Có một lần, trong lúc làm công tác tải gạo, tôi làm quen với một người làm việc cho xe vận tải chở gạo từ Thái Lan qua. Tôi hỏi anh ta là từ đó đến Thái có xa không. Anh ta cho biết là gần lắm. Thế là tôi mang ý định trốn khỏi vòng kềm kẹp của Pol Pot.

Công tác tải gạo làm chúng tôi ớn quá, lại thêm ở trong vùng giao tranh nguy hiểm quá. Mỗi ngày thấy máy bay đi qua lại trên đầu, chúng tôi đoán là máy bay của Thái, mà Thái lại ở gần đây, hay là trốn qua Thái? Nhưng phải đi đường nào để cho trót lọt mới được.


3/ Nạn bị khủng bố tinh thần.


Tại sào huyệt này, có một tên lục thum của Pol Pot rất tử tế. Ông ta thường dỗ dành chúng tôi:

”Thôi, đừng có lo, nếu cần gì thì để tôi giúp cho!”

Trong khu ấy, có một người Miên biết tiếng Việt rất rành nên ông ta thường đến để điều tra chúng tôi. Cũng giống như ở trạm thứ hai, ông ta hỏi xem mỗi người chúng tôi làm gì, ở đâu, tên tuổi, nguyên quán, nghề nghiệp, lý lịch, thuộc thành phần nào, là quân nhân của Việt Nam Cộng Hòa, cán binh Việt Cộng hay dân sự. Ông ta dụ dỗ đủ thứ và xen lẫn đe dọa nữa.

Nào là nếu ở trong ba thành phần vừa kể thì phải nói cho ra mình thuộc thành phần nào. Nếu là quân nhân VNCH thì rất hên vì họ sẽ cho qua trại tị nạn liền, qua bên đó lại còn được lương hướng nữa. Còn nếu là cán binh Việt Cộng thì cũng nên nói sự thật, sau đó cũng sẽ cho qua trại tị nạn. Còn nếu là dân sự thì sẽ bị ở đây lâu lắm, chậm được qua trại tị nạn nhất.

Khi nghe hắn nói vậy, tôi suy nghĩ nhiều. Phải đấu trí với chính mình:

”Có thể hắn dụ mình đây chăng? Hễ mình nói mình là sĩ quan VNCH chắc hắn sẽ giết mình. Có nên nói thật hay dấu tông tích? Tụi nó có nguy hiểm không? Đã có bao nhiêu người bị giết hại vì khai thật tông tích?”

Vì thế, tôi không dám đi để cho bọn Pol Pot điều tra trước mà đợi các cậu thanh niên đi trước về báo cáo xem tình hình điều tra ra sao đã. Bọn chúng điều tra một ngày chỉ có vài ba người. Ai chuẩn bị tốt thì lên làm việc sớm. Ai chưa sẵn sàng thì lên làm việc sau.

Ở toán tôi, có anh Minh có tài coi bói. Vì thế Minh thường dùng tài coi bói của mình để vừa coi bói, vừa coi cho bọn lính Miên, vừa dò hỏi xem tình hình xem ở đó có nguy hiểm hay không. Qua nhiều lần dọ hỏi khéo léo, chúng tôi được biết là toán chúng tôi là toán thứ bao nhiêu rồi không rõ, rằng đã có rất nhiều toán trước đó đã đi được qua trại tị nạn rồi.

Biết được vậy, chúng tôi rất mừng vì còn có hy vọng đến được trại tị nạn. Điều tra, khai thác tin tức từ bọn lính Miên, chúng tôi biết thêm là nếu mình khai là quân nhân VNCH thì không có gì nguy hiểm cả. Thế là tôi quyết định khai thật mình là đại úy của chế độ cũ. Tôi còn hô hào anh em bạn khai thật họ là quân nhân luôn vì đa số là quân nhân.

Trong nhóm tôi có một anh là cán binh Việt Cộng bị Pol Pot bắt. Dĩ nhiên anh này không thể nào chối cãi được tông tích của mình vì ai cũng biết anh ta là bộ đội Việt Cộng.

Khi vào điều tra, bọn Pol Pot sắp loại chúng tôi ra ba chỗ. Quân đội VNCH ở một bên. Cán binh Việt Cộng ở một bên. Còn dân sự ở một bên. Khi tôi bị thẩm vấn thì hắn hỏi tôi cấp bậc gì, làm việc ở đâu, ở vùng nào nơi Sàigòn, trước năm 1975 thì tôi làm gì và ở đâu, sau năm 1975 thì tôi làm gì và ở đâu.

Sau khi hỏi xong, hắn còn bắt tôi phải viết một tờ trình về tiểu sử cá nhân, cấp bậc, lý do tại sao mà vượt biên, rồi phải dùng lời lẽ đả phá Cộng Sản. Thế là tôi về chòi để ”vẽ” ra đủ thứ. Tôi sợ khai tên tuổi thật sẽ bị nguy hiểm nên tôi khai tên giả. Vừa viết, tôi vừa lo sợ họ sẽ dùng tờ trình của chính tôi để làm bằng chứng mà xử tử tôi vì tôi biết Pol Pot chẳng ưa gì quân đội VNCH.

Viết xong tôi đem nộp cho ông Miên biết tiếng Việt đó. Hắn nói là để hắn về nghiên cứu đã. Qua ngày sau, hắn bảo là tôi viết tốt. Xong hắn bảo tôi chiều hôm đó phải đọc tờ trình vào cuộn băng. Tôi hết hồn nên hỏi hắn:

”Đọc vào đó để làm gì vậy?”

Hắn đáp:

”Để làm tài liệu.”

Tôi run quá, nên lo sợ đủ thứ. Trong khi ấy, anh cán binh Cộng Sản cũng phải viết tờ trình và nói để thâu thanh vào băng nhựa. Tôi được cử làm đại diện cho nhóm quân nhân để đọc quyết nghị chung. Đại khái đọc tên và cấp bậc của từng người quân nhân, chửi phe Lê Duẩn (Việt Cộng). Đến lượt anh cán binh Cộng Sản cũng phải đọc lời quy thuận phe Pol Pot. Cuối cùng, nhóm dân sự cũng đọc một kiến nghị của nhóm họ.

Xong đâu đấy, tôi thừa dịp dò hỏi luôn:

-Chừng nào các anh giải chúng tôi qua trại tị nạn?

-Phải đợi ”Mấy thằng Tây”qua lãnh mới cho đi được!

Bọn họ gọi nhân viên hội HTTQT là ”Mấy thằng Tây”. Về chòi, tôi nhờ Minh nếu có dịp coi bói thì hỏi thăm bọn lính Pol Pot Miên xem có bọn ” Mấy thằng Tây” tới đây không?

Bọn họ trả lời là ”Mấy thằng Tây” cũng hay qua đây lắm.

Sau đó, bất chợt có một viên sĩ quan người Thái Lan lái xe Jeep đến trại đó chơi. Ông này trước có chiến đấu ở Việt Nam. Ông đã đóng quân ở Vũng Tàu, và biết được tiếng Việt Nam. Ông ta có vẻ vui tính, ca hát luôn miệng. Trong đó có câu hát nhái theo một bài nhạc của người Việt:

”Cô Mười, cô Chín, hai cô anh thích cô nào?”

Thấy vậy, tôi cảm thấy vững tâm hơn vì biết rằng ở đây gần Thái Lan thật, nên không đáng sợ nữa.


4/ Được hội HTTQT cứu vớt:


Vài ngày sau, một người Âu Châu tìm đến. Ông ta đậu xe ở ngoài xa, còn tên ”lục thum” chở ông ta vào trạm này bằng xe gắn máy Honda. Thấy bóng dáng một người Âu Tây thì lòng chúng tôi mừng khôn xiết vì đoán chắc là sẽ được ông ta dẫn đi qua trại tị nạn.

Bấy giờ, ”lục thum” Pol Pot và Ông Âu Tây kia lên phòng làm việc. ”Lục thum” sai một đệ tử xuống chòi kêu chúng tôi cử một người đại diện lên. Mọi người bèn đề nghị cử tôi lên nói chuyện với họ. Tôi viện cớ không biết tiếng Miên để kéo theo một anh bạn nói rất rành tiếng Miên và Việt.

Khi gặp ông Âu Tây kia mà cho đến nay tôi chưa được biết tên, thì ”lục thum” Pol Pot giới thiệu với tôi rằng ông Tây đó là người đại diện cho hội HTTQT, còn tôi là người đại diện cho người tị nạn.

Tôi bập bẹ vài câu tiếng Pháp để trao đổi câu chuyện. Qua đó, tôi biết là ”lục thum” muốn tôi phải nói cho nhân viên Hội HTTQT biết là ”lục thum” Pol Pot đối xử tốt với dân tị nạn Việt.

Tuy vậy, tôi vẫn tỉnh bơ để làm theo ý mình. Khổ nỗi vốn liếng tiếng Pháp của tôi rất ít vì tôi đã quên hết cả rồi. Vì thế, tôi hỏi nhân viên hội HTTQT có biết tiếng Anh không. Khi ông này bảo là biết tiếng Anh thì tôi bèn dùng Anh ngữ để kể lể cảnh cực khổ của dân tị nạn.

Tôi kể là chúng tôi đã phải ở tại đây gần một tháng rồi. Bữa ăn không có đồ ăn mà chỉ có cơm gạo mà thôi. Vì không có chỗ để ngủ nên chúng tôi phải vào rừng cắt lá và cưa cây để cất cái chòi mà ở. Tối đến, phải trải lá lót nằm mà cũng không đủ chỗ để ngủ.

Vào những đêm mưa thì nước chảy lênh láng, không thể nằm được nên chúng tôi phải đứng suốt đêm, người nào cũng ướt như chuột lột và lạnh run lên. Chúng tôi phải gom củi và đốt thành lửa để sưởi ấm và đánh tan cái lạnh. Mùa đó là mùa mưa nên mưa dai dẳng.

Đa số dân tị nạn vì khổ sở nên bịnh cả. Còn tôi may nhờ có sức khỏe nên chưa gục ngã. Rồi sau đó, tôi năn nỉ ông ta cứu vớt lấy chúng tôi, còn nếu để lâu chắc chúng tôi chết hết vì sự đọa đầy tâm hồn và điều kiện sinh sống quá cơ cực.

Nãy giờ thấy tôi vừa nói vừa ra dấu, cho nên dù không hiểu tiếng Anh, ”lục thum” Pol Pot cũng đoán được phần nào nội dung câu chuyện. Vì thế, anh ta xỉ ngay vào mặt tôi và gằn giọng bằng tiếng Việt:

-Đồng chí nãy giờ nói xấu tụi tui, tui cho đồng chí ở đây luôn!

Tôi nghe vậy nên sợ điếng hồn, bèn lật đật nói:

-Không! Không! nãy giờ tui đâu có nói xấu gì đồng chí đâu? Tôi nói tốt lắm, không tin đồng chí hỏi ông này đi!

Thấy tôi phản ứng lẹ quá nên đồng chí ”lục thum” có vẻ tin. Tuy vậy, hắn cũng không cho chúng tôi đi vì nhóm chúng tôi chỉ mới có mười bốn người nên chưa đủ số. Hình như hắn muốn đợi cho có đủ năm mươi người thì hắn mới giao cho Hội HTTQT.

Người nhân viên của hội HTTQT bèn nói với hắn:

-Mỗi lần qua đây đón người tị nạn thì tôi phải thuê xe cộ. Nay ông không cho họ đi, tôi cũng vẫn phải trả tiền phí tổn xe. Như vậy có lẽ còn lâu lắm, tôi mới qua được nữa.

Tôi nghe vậy nên mừng lắm, bèn tiếp tục năn nỉ ông ta làm cách nào thuyết phục ”lục thum” Pol Pot để hắn cho chúng tôi đi, bằng không thì ở đây quá sức nguy hiểm, chắc rồi chúng tôi cũng sẽ chết.

Vị nhân viên hội HTTQT bèn trở vào năn nỉ và thuyết phục tay ”lục thum” kia.”Lục thum” suy nghĩ hồi lâu rồi quyết định cho dân tị nạn đi. Nghe được điều ấy, tôi mừng không thể tả được.”Lục thum” ra lệnh cho tôi về chòi báo cho toán của tôi thu xếp hành lý để lên đường theo chân người nhân viên hội HTTQT.

Tôi vừa về đến chòi thì thấy một đám dân tị nạn Việt mới tới nữa. Đám người này phải ở lại đó đến một tháng sau mới được thả cho đến trại tị nạn. Tôi kêu các người trong đám đó lên năn nỉ xin ”lục thum” Pol Pot cho đi chung với nhóm của tôi.

“Lục thum” nói rằng vì chưa điều tra lấy lời khai của người mới tới nên hắn không cho họ đi chung với nhóm chúng tôi được. Vì qúa sức mừng vui nên chúng tôi vứt lại đồ đạc cho nhóm tị nạn vừa tới. Thế rồi, chúng tôi đi bộ thật lẹ ra chỗ giao thông hào chống chiến xa của quân đội Thái.

Tại đây, có một chiếc xe hơi hiệu Toyota gắn cờ của hội HTTQT đã chờ sẵn. Nhưng lính Thái yêu cầu tôi lập danh sách cho mười bốn người. Xong xuôi, bảy người được leo lên chiếc xe Toyota loại Wagon, có máy lạnh để đi đến trại tị nạn.

Qua đến bên kia thì có một xe cam nhông đợi sẵn. Sau đó, xe Toyota lại quay trở lại chở bảy người còn lại, trong đó có tôi. Sau 5 năm tù khổ sai dưới ách Cộng Sản, lại thêm sau một tháng trời cực khổ dưới ách của lính Pol Pot, nay được ngồi xe hơi, tôi tưởng mình đang lên thiên đường.


Kết luận.

Khi được hội HTTQT đưa nhóm chúng tôi đến trại tị nạn NW 9, tôi bỡ ngỡ vô cùng. Thoạt đầu khi thấy người tị nạn mặc toàn sà rông, tôi lại ngỡ họ là dân Thái Lan. Lúc nhìn thấy nhà cửa, lều chõng lụp xụp thì tôi nản lòng làm sao ấy.

Ngày tôi đến NW 9 là ngày 15 tháng 6, năm 1980. Dịp đó đúng là ngày ban văn nghệ trại NW 9 tổ chức mừng ngày quân lực 19, tháng 6, năm 1980. Tôi còn nhớ, ban đại diện mời họp để tổ chức mừng ngày quân lực.

Khi vào trại NW 9, tôi được cử làm trưởng đội của nhóm hai mươi người cùng nhập trại NW 9 một ngày. Khi ấy, không còn nhà trống nên chúng tôi được đưa vào ở tạm trong khu nhà hớt tóc. Thế rồi đội của tôi phải chia làm hai nhóm ở hai bên trong khu nhà đó.

Về tiêu chuẩn ăn uống thì không có đồ ăn gì cả, còn nước thì cứ một đầu người có bốn lít nước cho một ngày. Khoảng chín ngày sau, tức là ngày hai 24, tháng 6, năm 1980 thì chúng tôi cùng chạy giặc với bà con trại NW 9.

Sau đó, tôi rất được may mắn ở trong danh sách của những người có ưu tiên một vì được vợ chồng, cha mẹ và con cái bảo lãnh. Vì thế, tôi chỉ ở trại NW 9 có vỏn vẹn một tháng rưỡi rồi được qua trại Panatnikhom Holding Center, rồi qua trại Rangsit Transit Center để đi Mỹ. Tôi tới Mỹ quốc khoảng ngày 8, tháng 10, năm 1980.”

Trương Võ

No comments:

Post a Comment